Một nghiên cứu mới công bố đã chỉ ra rằng việc tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống “thân thiện với hành tinh,” trong đó thức ăn chủ yếu là trái cây, rau và ngũ cốc, giúp giảm gần 1/3 nguy cơ tử vong sớm ở người, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính góp phần vào tình trạng Trái Đất ấm lên.
Nghiên cứu này, được công bố ngày 10/6 trên Tạp chí The American Journal of Clinical Nutrition, củng cố các ý kiến cho rằng tuân thủ một mô hình ăn kiêng có lợi cho sức khỏe và sự bền vững của hành tinh có liên quan đến việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Theo tiến sỹ David Katz, sáng lập tổ chức True Health Initiative – một liên minh toàn cầu gồm các chuyên gia về y học lối sống, ăn nhiều thực phẩm thực vật nguyên chất, ít thực phẩm động vật và ít thực phẩm chế biến kỹ sẽ tốt hơn cho cả con người và Trái Đất.
Sản xuất lương thực, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Các chuyên gia cho biết việc nuôi gia súc để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của con người đòi hỏi sử dụng đất nông nghiệp và dẫn đến nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm nguồn nước. Động vật nhai lại, như bò và cừu, thải ra khí methane từ quá trình tiêu hóa, một loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều rau quả không chỉ kéo dài tuổi thọ của con người mà còn giúp giảm 51% diện tích đất sử dụng, 29% khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và 21% lượng phân bón được sử dụng. Tác giả nghiên cứu Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan Harvard ở Boston, cho biết khi xem xét các nguyên nhân chính gây tử vong ở người, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong sẽ thấp hơn ở những người tuân thủ tốt chế độ ăn uống lành mạnh thân thiện với Trái Đất.
Nghiên cứu này dựa trên chế độ ăn do Ủy ban EAT-Lancet thiết kế, bao gồm 37 nhà khoa học hàng đầu từ 16 quốc gia. Chế độ ăn này chú trọng tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại protein có nguồn gốc thực vật khác, đồng thời giảm khẩu phần thịt và sữa.
Để có kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu chế độ ăn uống thu thập được từ hơn 200.000 phụ nữ và nam giới trong 34 năm. Mỗi 4 năm, những người tham gia nghiên cứu điền vào bảng câu hỏi về chế độ ăn uống, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một lượng dữ liệu khổng lồ. Giáo sư Willett khẳng định đây là nghiên cứu lớn và lâu dài, đánh giá lặp đi lặp lại chế độ ăn uống trong hơn 3 thập kỷ, mang lại độ chính xác thống kê cao hơn.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 10% những người tuân theo chế độ ăn Eat-Lancet có nguy cơ tử vong sớm, bất kể nguyên nhân nào, thấp hơn 30% so với nhóm 10% người ít tuân theo chế độ này nhất. Ngoài ra, những người tuân thủ chặt chẽ nhất chế độ ăn hành tinh có nguy cơ tử vong do thoái hóa thần kinh thấp hơn 28%, nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn 14%, nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 10% và nguy cơ tử vong vì bệnh hô hấp thấp hơn 47%.
Giáo sư Willett tin rằng những phát hiện này cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa sức khỏe con người và hành tinh: ăn uống lành mạnh sẽ thúc đẩy sự bền vững của môi trường, một điều rất cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của mọi người trên Trái Đất. Chế độ ăn uống này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cá nhân mà còn đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự bền vững cho các thế hệ tương lai.
Thực tế, việc chuyển đổi sang chế độ ăn uống thân thiện với hành tinh không chỉ đơn giản là lựa chọn cá nhân mà còn là một phần quan trọng của giải pháp toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Để thực hiện điều này, cần có sự hợp tác và cam kết từ tất cả các cấp độ, từ cá nhân đến các tổ chức, chính phủ và cộng đồng quốc tế.
Ngoài lợi ích về môi trường, chế độ ăn uống này còn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Điều này có nghĩa là việc tuân thủ chế độ ăn uống thân thiện với hành tinh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Để khuyến khích việc áp dụng chế độ ăn uống này, cần có các chiến dịch giáo dục và thông tin để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, như cung cấp các loại thực phẩm lành mạnh với giá cả phải chăng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và giảm thiểu lãng phí thực phẩm, cũng là những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Cuối cùng, việc bảo vệ hành tinh và đảm bảo sức khỏe của mọi người không chỉ là trách nhiệm của các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần vào việc xây dựng một thế giới bền vững và khỏe mạnh hơn.