Bồ công anh thường được xem như một biểu tượng của tuổi thơ hồn nhiên. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ đẹp mong manh ấy là một loài thảo dược quý với nhiều công dụng cho sức khỏe. Từ xa xưa, bồ công anh đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Ngày nay, khoa học hiện đại đã khẳng định những lợi ích sức khỏe của bồ công anh, và nó ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.
Đặc điểm nhận biết cây bồ công anh
Bồ công anh (còn gọi là diếp hoang, rau bồ cóc, mũi mác, rau lưỡi cày) là loại cây mọc hoang phổ biến ở Việt Nam. Cây có tên khoa học là Lactuca indica, thuộc họ cúc Asteraceae.
- Thân cây nhỏ, cao khoảng 1 – 3m, mọc thẳng, nhẵn, không có cành hoặc rất ít cành.
- Lá cây có nhiều hình dạng khác nhau, mép lá có răng cưa. Thân và lá cây chứa nhựa màu trắng như sữa, vị đắng.
- Hoa cây có màu vàng hoặc màu tím, thường nở vào tháng 3 – 4 hoặc tháng 9 – 10.
- Cây có thể trồng bằng hạt, thu hoạch sau 4 tháng.
- Lá cây có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô để dùng dần mà không cần qua chế biến nào đặc biệt.
Tác dụng của bồ công anh
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện cho thấy bồ công anh là dược liệu có vị đắng, tính mát, quy vào các kinh can, thận, tâm và có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và hóa thấp. Một số tác dụng trong điều trị bệnh của bồ công anh như sau:
– Điều trị các bệnh về da: Các bệnh lý ngoài da do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn có thể được điều trị bằng dược liệu bồ công anh. Thân và lá bồ công anh chứa nhựa màu trắng như sữa và có vị đắng, có tính kiềm cao và công dụng sát khuẩn, diệt côn trùng, nấm… nên rất hữu hiệu trong điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ, eczema, ngứa do nấm…
– Tốt cho người bệnh tiểu đường: Bồ công anh có công dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giúp loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể, loại bỏ đường bị tích tụ trong thận mà hầu hết các người bệnh đái tháo đường đều mắc.
– Phòng chống ung thư: Một trong những tác dụng quan trọng của bồ công anh đối với sức khỏe là phòng chống nguy cơ hình thành và phát triển các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú… Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gốc và rễ bồ công anh có tác dụng kháng hóa trị liệu để không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.
– Cải thiện hệ tiêu hóa: Bồ công anh có công dụng kích thích sự thèm ăn nên giúp cải thiện tốt hệ tiêu hóa. Các hoạt chất inulin và chất nhầy trong bồ công anh có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa, chất oxy hóa giúp loại bỏ các chất độc từ thực phẩm và kích thích sự tăng trưởng các vi khuẩn ruột có lợi, ức chế và ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn ruột có hại.
– Tăng cường sức khỏe của đường tiết niệu: Do có tác dụng lợi tiểu nên bồ công anh giúp tăng cường sức khỏe của đường tiết niệu, kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi trong hệ tiết niệu và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại nhờ đặc tính tẩy bỏ của loại dược liệu này.
Dược liệu bồ công anh thường được sử dụng trong điều trị dưới dạng thuốc sắc với liều dùng mỗi ngày từ 20 – 40g lá tươi hoặc từ 10 – 15g lá khô, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các dược liệu khác (chè dây, lá khôi, khổ sâm…). Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe, dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, sỏi mật, viêm túi mật, viêm da tiếp xúc…
Một số bài thuốc từ bồ công anh
1. Thanh phế ẩm (thuốc thanh phổi)
– Thành phần: Bồ công anh 30g, ngân hoa 15g, hạt ý dĩ 30g, hạnh nhân 9g, chi tử 9g, liên kiều 15g, toàn quát lâu 12g, chỉ thực 12g, lư căn tươi 9g, hạt bí đao 30g, bột nguyên minh 5g.
– Cách dùng: Trừ bột nguyên minh, cho cả 11 vị thuốc trên sắc lấy nước, uống với bột nguyên minh, ngày 1 thang.
– Công dụng: Dùng cho người ho, sốt nóng, sinh ra đàm nhiệt nội kết, viêm phổi.
2. Tâm khang ẩm (Thuốc trợ tim)
– Thành phần: Bồ công anh 30g, sa sâm 18g, bán hạ 12g, cam thảo 9g ngũ vị tử 9g, sinh địa 12g, qua lâu 18g, ngân hoa 15g, giới bạch 9g, mạchmôn đông 12g, thạch cao sống 15g.
– Cách dùng: Sắc 2 nước, trộn lẫn uống, chia 2 lần. Ngày 1 thang.
– Công dụng: Dùng cho người cảm cúm có tính chất bệnh độc, tiếp theo lại sinh bệnh viêm cơ tim, triều nhiệt, tim đập thảng thốt, khí đoản…
3. Bồ công anh, liên kiều tán (thuốc bột liên kiều, bồ công anh)
– Thành phần: Bồ công anh 30g, nhũ hương 8g, liên kiều 12g, giấm ăn vừa đủ.
– Cách dùng: Nghiền thuốc thành bột mịn, trộn giấm vào đánh nhuyễn, sao nóng lên, bôi vào chỗ đau. Cứ từ 2 – 3 giờ thay thuốc 1 lần. 3 ngày là 1 liệu trình.
– Công dụng: Dùng cho người bị sưng tuyến vú thời kỳ đầu.
4. Thuốc tiêu mụn trứng cá
– Thành phần: Bồ công anh 15g, sơn tra 12g, chỉ xác sao 10g, kim ngân hoa 15g, hổ trượng 12g, đại hoàng tẩm rượu 10g
– Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.
– Công dụng: Dùng cho mụn trứng cá.
5. Phương thuốc tăng tiết sữa
– Thành phần: Bồ công anh 60g, kiến khúc 60g.
– Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sớm, tối.
– Công dụng: Dùng trong trường hợp sản phụ mất sữa. Vừa uống, vừa lấy bã thuốc, bọc trong vải sạch, làm nóng sát lên vú. Thường chỉ uống 2 thang là hiệu nghiệm.
Một số lưu ý khi sử dụng bồ công anh
Khi sử dụng bồ công anh trong điều trị bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Dược liệu bồ công anh ở dạng khô cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh độ ẩm, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp;
- Trong thời gian sử dụng dược liệu trong điều trị bệnh, bạn cần theo dõi các phản ứng của cơ thể như viêm da tiếp xúc, mẫn cảm… Trường hợp các triệu chứng này xuất hiện, bạn cần ngưng sử dụng và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác;
- Không sử dụng bồ công anh điều trị bệnh ở các đối tượng như sau: Trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người mẫn cảm với các thành phần của dược liệu, người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích, tắng nghẽn ống mật hoặc tắc ruột.
Như vậy bồ công anh là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên cũng tương tự như những loại thuốc khác, bồ công anh có thể gây ra những tác dụng phụ đối với sức khỏe. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất.