Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang xây dựng và triển khai 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện có dịch COVID-19.

1 V i thi u Thanh Ha
Vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thu hoạch từ ngày 20/5-10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6-20/7/2021.
Theo đó, kịch bản 1, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu.
Kịch bản 2, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Phương án tiêu thụ vải của tỉnh ở thị trường trong nước gồm kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động; sản lượng vải loại 2, 3 còn lại chuyển chế biến sấy và chế biến khác; tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đối với thị trường xuất khẩu, thị trường Trung Quốc chiếm 95% sản lượng xuất khẩu, tương ứng sản lượng là 47.500 tấn; số còn lại khoảng 2.500 tấn xuất khẩu sang các thị trường khác (Nhật, Australia, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore…).
Kịch bản 3, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi đó, tỉnh ra phương án vải thiều được tiêu thụ 100% trong nước (khoảng 180.000 tấn), xuất khẩu không đáng kể. Vải được tiêu thụ tại các chợ đầu mối (sản lượng tiêu thụ trong nước chủ yếu) khoảng 80.000 tấn. Các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 30.000 tấn. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như: Công ty Đồng Giao, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu tiêu thụ 30.000 tấn. Các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động 20.000 tấn. Sản lượng vải loại 2, 3 còn lại chuyển chế biến sấy và chế biến khác khoảng 18.000 tấn. Vải tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử khoảng 2.000 tấn.
Tại vùng vải sớm huyện Tân Yên, tiêu thụ tại các chợ đầu mối 50% sản lượng. Các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ khoảng 15% sản lượng. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tiêu thụ khoảng 20% sản lượng. Các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động khoảng 15% sản lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn. Đáng chú ý, diện tích vải thiều của Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc… diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản đạt diện tích 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 24/5, tổng sản lượng vải thiều sớm của tỉnh đã tiêu thụ đạt khoảng 3.176 tấn; trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 1.573 tấn; giá bán dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg. Sản lượng xuất khẩu đạt 1.603 tấn, vải thiều sớm của Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Dự kiến ngày 26/5/2021, Bắc Giang sẽ có lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu đi Nhật Bản.
Theo VTV.VN